Trong thời đại công nghệ phát triển thần tốc, trí tuệ nhân tạo (AI) đang dần trở thành yếu tố cốt lõi định hình lại mọi ngành nghề, đặc biệt là giáo dục. Là đơn vị tiên phong trong ứng dụng công nghệ vào giáo dục phổ thông, FPT Schools đã có nhiều bước đi táo bạo trong việc đưa AI vào chương trình học, từ lớp 1 đến lớp 12.
Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với Bà Phạm Thị Khánh Ly – Giám đốc điều hành FPT Schools Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm và Hải Phòng, để hiểu rõ hơn về hành trình này.

PV: Hệ thống Trường Phổ thông FPT (FPT Schools) đã ứng dụng Trí tuệ nhân tạo (AI) từ khi nào trong quá trình dạy và học tại các cấp phổ thông? Kết quả ban đầu mang lại là gì?
Bà Phạm Thị Khánh Ly: Là đơn vị giáo dục tiên phong đổi mới sáng tạo, FPT Schools xác định công nghệ là một trong ba trụ cột quan trọng trong chiến lược giáo dục toàn hệ thống. Chúng tôi đã và đang hiện thực hóa mô hình giáo dục số, tích hợp AI một cách bài bản trong dạy và học, hướng đến đào tạo thế hệ công dân số với tư duy khai phóng, năng lực làm chủ công nghệ, sử dụng AI có đạo đức và trách nhiệm.
Dựa trên nghiên cứu khung năng lực số UNESCO 2018, các giáo trình quốc tế được biên soạn bởi đội ngũ giáo sư Mỹ và Châu Âu, cũng như nghiên cứu các quy định, chính sách của nhà nước về AI trong giáo dục, chúng tôi đã chủ động xây dựng khung năng lực AI dành cho học sinh toàn hệ thống từ hai năm trước. AI được tích hợp sâu trong chuỗi chương trình Trải nghiệm thế giới thông minh gồm các nội dung Tin học, STEM, Coding, Robotics và AI, giúp học sinh hình thành tư duy sáng tạo, biết cách đặt vấn đề và giải quyết vấn đề bằng công nghệ, có năng lực tìm hiểu và tiếp cận công nghệ mới.
Năm học 2024 – 2025, FPT Schools hợp tác cùng Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT) đưa AI vào giảng dạy cho học sinh từ lớp 1, với học liệu Day of AI được đội ngũ giáo viên FPT biên soạn lại. Ở cấp THCS và THPT, học sinh bắt đầu lập trình AI, huấn luyện mô hình học máy, nghiên cứu AI trong Robotics và khoa học dữ liệu. FPT Schools còn kiến tạo môi trường học tập và trải nghiệm AI qua các hoạt động CLB, phát động và phối hợp tổ chức các cuộc thi về AI, STEM, Robotics uy tín thế giới.
Đến nay, 100% học sinh FPT Schools từ lớp 1 đến lớp 12 đang được tiếp cận những kiến thức cập nhật về AI. Được nuôi dưỡng trong môi trường thúc đẩy sáng tạo và tôn trọng thế mạnh cá nhân, học sinh FPT Schools luôn hào hứng khám phá và sáng tạo công nghệ. Nhiều bạn đã khẳng định năng lực vượt trội khi liên tục đạt thành tích cao tại các cuộc thi AI và Robotics lớn như FIRST Tech Challenge, VEX Robotics, ICIA, ENJOY AI…

PV: Quá trình ứng dụng AI vào việc dạy và học, hệ thống có gặp khó khăn gì?
Bà Phạm Thị Khánh Ly: Đưa AI vào giáo dục là một hành trình dài, đòi hỏi sự đồng tâm hiệp lực của toàn bộ hệ thống, mà nền tảng là sự thay đổi tư duy con người. Người FPT Schools luôn đề cao sự sáng tạo, sẵn sàng thích ứng nhanh và kịp với sự thay đổi chóng mặt của AI và khoa học công nghệ. Có lẽ do vậy nên quá trình triển khai diễn ra đồng bộ từ lãnh đạo đến từng cán bộ giáo viên.
Với đội ngũ giáo viên trẻ và sở hữu năng lực chuyên môn vững chắc, FPT Schools đã quyết tâm đón đầu xu hướng yêu cầu các cán bộ giáo viên ứng dụng AI để hỗ trợ công tác giảng dạy như soạn giáo án, minh hoạ bài giảng. Đầu 2024, FPT Schools đã tiến hành đào tạo AI cho gần 1000 giáo viên, cán bộ thay đổi từ tư duy đến kỹ năng và đến thực thi hoá bằng những thang đo năng lực số cụ thể. Ngày 13/3, chúng tôi cũng vừa triển khai đào tạo thử nghiệm cho 300 giáo viên và học sinh trên Kira Learning, nền tảng học AI trực tuyến của Andrew Ng., nhà đồng sáng lập Google Brain và Coursera.
Đến nay, 100% giáo viên đang sử dụng các công cụ AI làm tăng năng suất và hiệu quả công việc, có thêm thời gian tương tác với học sinh. Lãnh đạo nhà trường làm gương cho giáo viên, giáo viên làm gương cho học sinh, từ đó tạo ra một môi trường học tập mà AI trở thành một phần hữu ích và thiết thực trong hệ sinh thái giáo dục hiện đại, ai cũng có thể học được AI, ai cũng có thể dùng AI.

PV: Nhiều phụ huynh và thầy cô lo ngại về việc học sinh có thể sử dụng AI thiếu kiểm soát, tạo tâm lý dựa dẫm và làm mất tư duy phản biện. Bà có thể chia sẻ thêm về vấn đề này?
Bà Phạm Thị Khánh Ly: Đứng trước lo lắng rằng AI có thể khiến học sinh phụ thuộc vào công nghệ, chương trình AI tại FPT Schools tập trung phát triển tư duy, các em hiểu cách AI hoạt động, lập trình AI và sử dụng AI có trách nhiệm. Tại FPT Schools, học sinh được hướng tới sẽ không phải làm bài tập về nhà do có sự hỗ trợ của AI, mà chú trọng việc tăng tương tác xã hội trên lớp thông qua các dự án, thảo luận, tranh biện.
Chẳng hạn, học sinh được yêu cầu sử dụng AI để phân tích một sự kiện lịch sử, nhưng phải đối chiếu với nhiều nguồn dữ liệu khác nhau, từ đó đưa ra lập luận cá nhân. Hay thay vì làm bài tập đơn thuần, học sinh sử dụng AI để kiểm tra dữ liệu, nhưng vẫn phải giải thích cách làm bằng tư duy logic. Phương pháp này giúp học sinh hạn chế sự phụ thuộc vào AI, rèn luyện tư duy phản biện, tư duy độc lập và kỹ năng tự học – những năng lực quan trọng trong thời đại số.
Nhìn chung, học sinh hứng thú khi được học AI một cách bài bản, phụ huynh cũng dần thay đổi quan điểm, từ e ngại sang ủng hộ khi thấy con em mình phát triển tư duy logic, khả năng sáng tạo và không thụ động trước công nghệ. Bên cạnh đó, khi đội ngũ giáo viên đã làm chủ được AI, họ có thể hướng dẫn học sinh sử dụng công nghệ đúng hướng.
PV: Bà đánh giá ra sao về tầm quan trọng của việc ứng dụng AI trong giáo dục? Với nền giáo dục nói riêng, cần phải làm gì để thích ứng với kỷ nguyên công nghệ số?
Bà Phạm Thị Khánh Ly: Với AI, chúng tôi theo đuổi ba niềm tin lớn.
Trước hết, chúng tôi tin rằng xã hội hiện tại và trong tương lai gần sẽ chịu sự chi phối mạnh mẽ của khoa học công nghệ, đặc biệt là AI và Robotics. Vì vậy, nếu không trang bị kiến thức AI ngay từ bây giờ, các em sẽ khó bắt kịp tốc độ phát triển của thời đại.
Thứ hai, chúng tôi tin giới trẻ Việt Nam có khả năng học hỏi, tiếp thu cực kỳ nhạy bén. Nếu được tạo điều kiện tốt, các em không chỉ học sử dụng AI mà còn có thể sáng tạo AI. Thực tế tại FPT Schools đã chứng minh điều này, khi có động lực và môi trường phù hợp, học sinh Việt Nam hoàn toàn có thể làm chủ các công nghệ mới.
Và cuối cùng, chúng tôi hiểu rằng để đi xa, không thể đi một mình. Phổ cập giáo dục AI không chỉ là nhiệm vụ của một tổ chức, mà cần sự chung tay của toàn xã hội. Do đó, FPT Schools luôn nỗ lực lan tỏa kiến thức AI tới cộng đồng giáo dục Việt Nam thông qua các chương trình như Day of AI, đào tạo AI cho giáo viên các trường tại địa phương, tổ chức chuỗi hội thảo “Hiệu trưởng 4.0” dành cho các nhà quản lý giáo dục.
Điều quan trọng nhất để thích ứng trong kỷ nguyên AI là phải thay đổi tư duy, chủ động đón nhận công nghệ thay vì lo ngại. Đây không chỉ là một chiến lược giáo dục, mà còn là phương thức giúp Việt Nam phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong tương lai số.

PV: Câu chuyện AI tại FPT Schools không chỉ nằm trên lý thuyết mà còn rất thực tiễn. Có thể chia sẻ thêm một số ví dụ?
Bà Phạm Thị Khánh Ly:
Việc ứng dụng AI tại FPT Schools không chỉ nâng cao hiệu quả giảng dạy mà còn tạo điều kiện cho học sinh học tập cá nhân hóa, phát triển sự sáng tạo và chủ động trong học tập. Rất nhiều giáo viên FPT Schools đang áp dụng AI một cách sáng tạo. Chẳng hạn:
Cô Nguyễn Thị Thu Hường, giáo viên Văn tại trường THPT FPT Bắc Từ Liêm, đã phát triển chatbot nghị luận xã hội trên nền tảng Coze AI nhằm hỗ trợ học sinh rèn luyện kỹ năng viết. Chatbot giúp học sinh FPT Schools tra cứu thông tin nhanh chóng, tự động chấm điểm bài viết và gợi ý cách cải thiện nội dung. Ngoài ra, chatbot còn cung cấp bài văn mẫu, phân tích lập luận và sử dụng hình ảnh minh họa để hỗ trợ sáng tạo. Nhờ đó, học sinh nhận được phản hồi ngay lập tức, cải thiện tư duy phản biện và kỹ năng viết.
Cô Đặng Thị Hương, giáo viên Toán tại trường Tiểu học, THCS & THPT FPT Thanh Hoá, đã tạo được những trải nghiệm học toán thú vị cho học sinh lớp 2 nhờ các công cụ AI. Cô tạo ra các nhân vật hoạt hình đồng hành với học sinh trong giờ học, chuyển văn bản thành giọng nói, hình ảnh, video trực quan sinh động, đào tạo trợ lý AI để tổng hợp học liệu và giao bài tập thực hành. Sau 1 kỳ học, 93% học sinh cho biết các con nắm vững kiến thức Toán, tập trung trong giờ học và có hứng thú với môn Toán hơn.
Những sáng kiến ấy thể hiện rõ tinh thần: AI không thay thế giáo viên, mà là công cụ giúp giáo viên lan tỏa cảm hứng học tập hiệu quả hơn.
PV: Xin cảm ơn bà!