FPT SCHOOLS 27/03/2025

Đưa AI vào trường học: Giáo viên phải ‘dám thử, dám sai, dám sáng tạo’

Chúng ta không chỉ trao công cụ, mà còn tạo môi trường tôn trọng cá nhân, nơi các thầy cô ‘dám thử, dám sai, dám sáng tạo’.

Đó là quan điểm của ThS. Phạm Thị Khánh Ly, Giám đốc điều hành FPT Schools tại Hà Nội, Bắc Từ Liêm và Hải Phòng, Hệ thống phổ thông FPT với Báo Thế giới và Việt Nam xung quanh câu chuyện ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong trường học.

ThS. Phạm Thị Khánh Ly, Giám đốc điều hành FPT Schools tại Hà Nội, Bắc Từ Liêm và Hải Phòng

ThS. Phạm Thị Khánh Ly nhấn mạnh, giáo viên phải được tham gia các lớp đào tạo về AI. Nhà trường nên khuyến khích các thầy cô ứng dụng công cụ công nghệ để soạn giáo án, giao bài tập, kiểm tra học sinh. Đồng thời, thường xuyên tổ chức các cuộc thi, phát động phong trào nghiên cứu ứng dụng công nghệ trong giảng dạy. Đây là cách chúng ta phá vỡ lối mòn và “cài đặt” tư duy công nghệ cho giáo viên.

Theo chị, tại sao sự chủ động của giáo viên trong việc sử dụng công nghệ lại quan trọng đến vậy trong thời đại hiện nay? Những rào cản nào đang khiến một bộ phận giáo viên còn e dè trong việc ứng dụng công nghệ vào giảng dạy?

Trong thời đại số, công nghệ là nền tảng cho giáo dục. Sự chủ động của giáo viên trong việc sử dụng công nghệ là yếu tố then chốt để đổi mới phương pháp giảng dạy, tăng tính tương tác và cá nhân hóa việc học. Khi giáo viên ứng dụng công nghệ một cách bài bản, lớp học sẽ trở nên sinh động hơn, học sinh tham gia tích cực hơn, kết quả học tập cũng theo đó cải thiện rõ rệt.

Tất nhiên, vẫn còn một số rào cản, đó là tâm lý “sợ sai”, nhiều thầy cô chưa thật sự tự tin, ngần ngại thử nghiệm cái mới. Đồng thời, thói quen giảng dạy truyền thống đã hình thành trong thời gian dài, việc thay đổi tư duy sẽ cần sự đồng hành và tạo điều kiện từ phía nhà trường. Ngoài ra, hạ tầng công nghệ không đồng đều cũng là một trở ngại không nhỏ.

Ngoài việc cập nhật công nghệ mới, giáo viên cần trang bị những kỹ năng công nghệ nào để hỗ trợ hiệu quả cho việc dạy và học? Chị có thể chia sẻ những ví dụ cụ thể?

Công nghệ thay đổi liên tục nhưng có những kỹ năng nền tảng mà giáo viên cần trang bị như kỹ năng thiết kế học liệu số, kỹ năng quản trị lớp học số hay kỹ năng phân tích dữ liệu học tập để theo dõi tiến bộ học sinh và đưa ra điều chỉnh phù hợp.

Hiện nay, nhiều giáo viên đã tích cực khai thác các công cụ AI để thiết kế học liệu và xây dựng bài giảng hấp dẫn, khơi gợi hứng thú học tập cho học sinh. Chẳng hạn, một giáo viên Văn có thể phát triển chatbot nghị luận xã hội giúp học sinh tra cứu thông tin, tự động chấm điểm bài viết và gợi ý cách cải thiện nội dung. Hay giáo viên Toán tạo ra các nhân vật hoạt hình đồng hành với học sinh trong giờ học, chuyển văn bản thành giọng nói, hình ảnh, video trực quan sinh động, đào tạo trợ lý AI để tổng hợp học liệu và giao bài tập thực hành.

Học sinh FPT School thi đấu tại giải Robotics

Lúc này, nhà trường và cơ quan quản lý giáo dục cần có những chính sách và hỗ trợ nào để khuyến khích giáo viên sử dụng công nghệ một cách hiệu quả? Làm thế nào để tạo ra môi trường học tập mà giáo viên và học sinh cùng sáng tạo với công nghệ?

Điều tiên quyết là xây dựng văn hóa đổi mới sáng tạo trong nhà trường. Tôi cho rằng, chúng ta không chỉ trao công cụ, mà còn tạo môi trường tôn trọng cá nhân, nơi các thầy cô “dám thử, dám sai, dám sáng tạo”. Giáo viên và học sinh trở thành những người đồng hành trong sáng tạo tri thức.

Để tạo ra một môi trường khuyến khích thầy và trò cùng trải nghiệm các công nghệ mới, nhà trường cần đầu tư thời gian, nguồn lực để giáo viên nghiên cứu và thử nghiệm các công nghệ mới, cũng như có cơ chế ghi nhận, vinh danh các sáng kiến công nghệ trong giảng dạy.

Theo tôi, giáo viên phải được tham gia các lớp đào tạo về AI. Nhà trường nên khuyến khích các thầy cô ứng dụng công cụ công nghệ để soạn giáo án, giao bài tập, kiểm tra học sinh. Đồng thời, thường xuyên tổ chức các cuộc thi, phát động phong trào nghiên cứu ứng dụng công nghệ trong giảng dạy. Đây là cách chúng ta phá vỡ lối mòn và “cài đặt” tư duy công nghệ cho giáo viên.

Làm thế nào để đảm bảo rằng giáo viên được tiếp cận với những công nghệ mới nhất và được đào tạo một cách bài bản? Có cách nào để đánh giá và đo lường hiệu quả việc ứng dụng công nghệ trong dạy – học?

Để đánh giá và đo lường hiệu quả, có thể kết hợp giữa các dữ liệu định lượng như điểm số học sinh, tỷ lệ các em tham gia vào bài học, mức độ hài lòng của học sinh đối với việc ứng dụng công nghệ trong môn học… Bên cạnh đó, giáo viên cũng có thể đánh giá thông qua quan sát và ghi nhận phản hồi thực tế trong lớp học. Quan trọng nhất vẫn là tạo được thói quen và tư duy sử dụng công cụ, năng lực tự đánh giá và cải tiến liên tục của giáo viên trong quá trình ứng dụng công nghệ vào giảng dạy.

Theo báo Thế giới và Việt Nam

Hệ thống Giáo dục Chất lượng cao FPT Schools

Với triết lý hành động “làm khác để làm tốt”, FPT Schools chủ trương xây dựng môi trường giàu trải nghiệm cho học sinh thông qua đào tạo kiến thức, kỹ năng và các cơ hội khám phá bản thân, hướng nghiệp trên quan điểm sáng tạo, thấu hiểu và dựa vào các nền tảng công nghệ giáo dục tiên tiến. Xem chi tiết