Đôi bạn thân tại FSchools giành huy chương Vàng cuộc thi AI thế giới
Enjoy AI 2024 là một trong những cuộc thi trí tuệ nhân tạo (AI) lớn nhất toàn cầu, quy tụ hơn 100.000 thí sinh đến từ 34 quốc gia, đưa ra các thử thách liên quan đến lập trình và điều khiển drone tự hành trong môi trường mô phỏng.
Ở hạng mục Space Traveling dành cho lứa tuổi THPT, yêu cầu lập trình drone bay tự hành vượt chướng ngại vật trên sa bàn, đội FSC3_Omicron đến từ FPT School Đà Nẵng gồm Trần Tiến Anh (lớp 11A7) và Võ Hạ Vỹ (lớp 11A3) giành 940/1140 điểm, đứng đầu bảng.
Đội FSC3_Omicron đến từ FPT School Đà Nẵng gồm Trần Tiến Anh (lớp 11A7) và Võ Hạ Vỹ (lớp 11A3) giành giải Nhất hạng mục Space Traveling dành cho lứa tuổi THPT
“Em không thể tin nổi đã giành giải Nhất với điểm cao nhất toàn đoàn. Ban đầu chúng em chỉ kỳ vọng có giải thôi”, Tiến Anh nhớ lại. “Các đội của các nước khác trên thế giới quá mạnh, em không nghĩ rằng mình đã vượt qua họ”.
Hành trình của đôi bạn bắt đầu vào tháng 10, khi Tiến Anh, chủ nhiệm câu lạc bộ STEM-FSRC tại trường THPT FPT Đà Nẵng, nhận thông tin về cuộc thi Enjoy AI. Cảm nhận sự hấp dẫn từ việc lập trình drone tự hành, nam sinh Quảng Bình rủ Hạ Vỹ tham gia.
“Em cũng muốn thử sức ở cuộc thi thực tế vì trước đó em chỉ học Tin học trên lớp”, Vỹ kể, nói dù chỉ có khoảng 1,5 tháng chuẩn bị cho vòng quốc gia, cả hai vẫn quyết định tham gia.
Đôi bạn bắt đầu xây dựng các đoạn mã cơ bản và thử nghiệm khả năng vận hành drone. “Bọn em khá bối rối vì chưa từng lập trình cho drone tự hành,” Tiến Anh nhớ lại. “Phần lớn kiến thức đều phải tự học, từ tài liệu ban tổ chức cung cấp, cùng với các video, bài viết từ Internet. Bọn em cũng nhận được sự hỗ trợ từ thầy cô và bạn bè trong trường, giúp giải thích những vấn đề phức tạp.”
Do thời điểm thi trùng với thi học kỳ, cả hai dồn sức hoàn thành bài vở trước khi tập trung hoàn toàn vào cuộc thi. Sau thi, đôi bạn còn 4 ngày để hoàn thiện phần lập trình. Vì thời gian gấp rút, Tiến Anh và Hạ Vỹ thức trắng để viết code và thử nghiệm.
Tuy nhiên, vòng thi không diễn ra suôn sẻ. “Khi drone cất cánh, va phải vật cản rồi mất kiểm soát,” Vỹ kể, nói đội đạt 440 điểm, thấp hơn nhiều so với dự kiến ban đầu, nhưng may mắn giành “vé vớt” vào vòng quốc tế. “Thành tích đó không như kỳ vọng, nhưng cũng đủ để thúc đẩy bọn em quyết tâm phục thù trong vòng sau,” Tiến Anh nói.
Thay đổi chiến lược code vòng quốc tế
Bước vào vòng quốc tế, đôi bạn đối mặt với thử thách lớn hơn nhiều khi ban tổ chức áp dụng luật chơi mới với sa bàn ngẫu nhiên. Với một tháng chuẩn bị, thay vì nâng cấp code, đôi bạn sử dụng cách code chương trình con, cho phép gộp các đoạn mã nhỏ thành một chương trình lớn, linh hoạt hơn để xử lý nhiều sa bàn cùng một lúc. “Đây là lần đầu tiên bọn em sử dụng cách này, nhưng nó thực sự hiệu quả khi phải đối phó với sa bàn thay đổi liên tục”, Vỹ nói.
Đội FSC3_Omicron còn hợp tác với một đội thi khác để chia sẻ ý tưởng và hoàn thiện code nhanh chóng. “Việc cùng nhau tiến bộ và học hỏi từ đội bạn giúp bọn em tiết kiệm rất nhiều thời gian và nâng cao chất lượng chương trình,” Tiến Anh chia sẻ.
Tuần cuối trước khi thi, nhịp độ làm việc trở nên dồn dập hơn bao giờ hết. “Hầu như ngày nào cũng thức trắng để code và thử nghiệm. Một tuần, bọn em có ba buổi luyện tập bay thử”, Hạ Vỹ nói.
Ngày thi đầy thử thách và chiến thắng không ngờ
Tại vòng quốc tế, Tiến Anh thấy áp lực. “Em đi xem các đội khác, thấy họ bay hoàn hảo ở tất cả các lần thử, trong khi bọn em chỉ bay ổn định khoảng 80%”, nam sinh chia sẻ.
Ngoài ra, đội FSC3_Omicron gặp phải bất lợi lớn khi không được kiểm tra sa bàn và sửa code giống như các đội khác. Trong khi các đội thi quốc tế có từ 3-5 giờ để thử nghiệm, nhóm chỉ có 10 phút để đo kích thước và hiệu chỉnh. Thêm vào đó, Tiến Anh và Vỹ được giao sa bàn thứ 34 – một trong những mô hình khó nhất – hoàn toàn xa lạ với nhóm.
“Bọn em rất lo lắng vì ít thử nghiệm sa bàn này” Tiến Anh kể. Sau hai lượt bay, đội giành 940 điểm. Ban đầu, cả hai chỉ dám hy vọng vào giải ba, nhưng kết quả cuối cùng đã khiến họ vỡ òa khi biết rằng mình chính là đội đạt điểm cao nhất.
“Lúc đó, cảm giác như vỡ òa. Thành công này là minh chứng cho mọi nỗ lực của bọn em suốt thời gian qua,” Hạ Vỹ chia sẻ.
Hành trình được nâng đỡ bởi thầy cô và nhà trường
Trong suốt hành trình, sự hỗ trợ từ các thầy cô tại FPT School Đà Nẵng là không thể thiếu, Tiến Anh nhận định. Các thầy cô không chỉ cung cấp nền tảng kiến thức vững chắc mà còn tạo điều kiện để học sinh tiếp cận với công nghệ tiên tiến và phát triển tư duy sáng tạo.
“Nhờ sự hướng dẫn tận tình của thầy cô, bọn em hiểu rõ hơn về cách lập trình và có thêm động lực để vượt qua các thử thách,” Tiến Anh cho biết. “Ngoài ra, môi trường học tại FPT rất linh hoạt, giúp bọn em có thể vừa học chính khóa vừa tham gia các hoạt động ngoại khóa như câu lạc bộ STEM.”
Trần Tiến Anh (lớp 11A7) và Võ Hạ Vỹ (lớp 11A3) cùng đồng đội và thầy giáo nhận giải tại Enjoy AI quốc tế 2024
Chương trình giảng dạy STEM tại FPT Schools không chỉ tập trung vào lý thuyết mà còn khuyến khích học sinh áp dụng kiến thức vào thực tế. Câu lạc bộ STEM là nơi để các bạn trẻ như Tiến Anh và Hạ Vỹ rèn luyện kỹ năng lập trình, thử nghiệm các dự án sáng tạo, và chuẩn bị cho các cuộc thi lớn
Thành công tại Enjoy AI 2024 không chỉ là cột mốc đáng nhớ mà còn mở ra những cơ hội mới cho hai bạn trẻ. Hạ Vỹ, với niềm đam mê STEM, mong muốn theo đuổi ngành công nghệ thông tin, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo. Trong khi đó, Tiến Anh lại hướng tới lĩnh vực cơ khí hàng không, với mong muốn chế tạo những chiếc máy bay hiện đại trong tương lai.
“Cuộc thi này giúp bọn em nhận ra rằng, chỉ cần nỗ lực hết mình, mọi giới hạn đều có thể vượt qua,” Hạ Vỹ chia sẻ.
Hành trình của đội FSC3_Omicron là minh chứng rõ nét cho tinh thần học hỏi không ngừng, ý chí kiên cường và sự hỗ trợ tuyệt vời từ thầy cô cũng như môi trường giáo dục chất lượng tại FPT Schools. Đây không chỉ là niềm tự hào của nhà trường mà còn là dấu ấn của Việt Nam trên bản đồ trí tuệ nhân tạo thế giới.