Cô giáo FSchools giành giải Nhất giáo viên giỏi thành phố với cách dạy “chuyên gia - mảnh ghép”
Giữa tháng 4, cô Nguyễn Thị Khuyên, giáo viên môn Vật lý tại THPT FPT Hà Nội nhận giấy khen giáo viên giỏi cấp thành phố. Đến giờ, cô vẫn không khỏi ngạc nhiên khi biết tin giành giải Nhất. “Mình đi thi chỉ với tâm thế học hỏi kinh nghiệm. Có hàng trăm giáo viên giỏi, giàu kiến thức và trải nghiệm ngoài kia nên mình rất bất ngờ", Cô Khuyên nói.
Phong cách dạy đậm chất FPT
Cô Khuyên đã công tác tại trường THPT FPT Hà Nội được hơn 10 năm. Giảng dạy Vật lý nhiều khóa, cô nhận thấy hầu hết học sinh lo lắng khi học môn này. “Các em chú trọng ba môn thi vào lớp 10, nên thường lơ là môn Vật lý. Nhiều em chia sẻ với mình trải nghiệm với Vật lý ở cấp hai không quá suôn sẻ", cô Khuyên nói.
Xuất phát từ dân khối A, cô hiểu được sự khô khan khi học lý thuyết và làm bài tập môn khoa học tự nhiên. Vì thế, cô Khuyên luôn chú trọng minh họa lý thuyết bằng các ví dụ đời sống, để học sinh chủ động lĩnh hội kiến thức và hình thành cách tiếp thu thông qua hoạt động trong lớp.
Mỗi tiết học của cô Khuyên luôn tràn ngập sự thú vị. Ví dụ, khi dạy về các loại va chạm, cô chiếu trực tiếp trận đấu bida để mô tả các loại va chạm như va chạm đàn hồi, va chạm mềm….Cô cũng thường cho học sinh đóng vai làm thầy cô để giảng bài, chỉ dẫn các bạn làm bài và cô là người chuẩn hóa lại kiến thức cuối giờ. Đối với phần bài tập, cô phân ra thành nhiều cấp độ, một phần chung cho cả lớp, một phần đánh dấu sao dành cho các bạn khá giỏi.
“Mình luôn mong muốn và tìm cách giúp học sinh chủ động học, nói lên ý kiến bản thân, có cơ hội thể hiện bản thân trước tập thể”, cô chia sẻ, cho biết luôn động viên các bạn lên bảng giải bài tập, thay đổi liên tục cách chấm điểm quá trình, trao cơ hội gỡ điểm cho học sinh. Vì thế, cứ cuối năm học, cô nhận được nhiều phản hồi tích cực. Phần lớn học sinh trong lớp của cô nắm vững kiến thức cơ bản, điểm tổng kết ở mức khá, giỏi.
Đưa phong cách FPT đến với trường bạn
Năm học này, cô Khuyên đăng ký tham dự kỳ thi, với mong muốn chia sẻ những trải nghiệm làm người lái đò thời gian qua. Theo cô Khuyên, kỳ thi giáo viên giỏi giống như một buổi sinh hoạt chuyên môn sâu, nơi các giáo viên chia sẻ kinh nghiệm, phương pháp giảng dạy và cập nhật kiến thức mới nhằm nâng cao khả năng sư phạm.
Trước khi thi thành phố, cô đã giành giải Nhất ở cả cấp trường và cụm. Nữ giáo viên sinh năm 1991 cảm thấy khá áp lực khi đại diện cho trường lần đầu tiên tham dự kỳ thi giáo viên giỏi lần này.
Ở cấp thành phố, giáo viên sẽ không được tiếp xúc với học sinh và giảng thử. Trước ngày thi chỉ 2 hôm, cô mới nhận được bài giảng dự thi “Động học của chuyển động tròn đều” tại lớp 10A9 của trường THPT Quốc Oai.
“Thời gian chuẩn bị ít, mình cũng không nắm được năng lực của học sinh nên mọi thứ trở nên khá khó khăn”, cô chia sẻ.
Trong hoạt động mở đầu, cô kích thích sự tò mò bằng cách xoay điện thoại trên bàn gỗ và hỏi học sinh đoán kiến thức sẽ học hôm nay. Đến hoạt động hình thành kiến thức, cô vận dụng phương pháp dạy học theo nhóm, kết hợp với kỹ thuật chuyên gia - mảnh ghép, chia lớp thành ba nhóm chuyên gia tìm hiểu ba nội dung bài học. Sau đó, cô ghép đội mới từ chuyên gia của ba nhóm, trong đó các thành viên tự chia sẻ kiến thức cho nhau và hoàn thiện bài tập vốn đòi hỏi vận dụng cả ba phần lý thuyết. Cuối buổi, cô Khuyên sẽ chuẩn hóa lại kiến thức và yêu cầu lớp hoàn thành phiếu cá nhân chứa sơ đồ tư duy của toàn bộ phần kiến thức đã học.
Theo cô Khuyên, phương pháp này sẽ giúp học sinh chủ động nạp kiến thức mới. “Các bạn học sinh có ý thức tốt, tư duy thông minh, hào hứng với giờ dạy. Sau thi, mình cũng liên hệ lại với giáo viên chủ nhiệm lớp 10A9 và nhận được phản hồi rất tích cực từ học sinh, các em đều thích tiết học và ấn tượng với cách giảng bài của mình", cô Khuyên xúc động nói.
Ngoài phần thi giảng, cô cũng cần hoàn thành phần thi trình bày một biện pháp giúp nâng cao chất lượng giảng dạy. Ở đây, cô đã trình bày biện pháp “Vận dụng lý thuyết kiến tạo xã hội trong dạy học chủ đề năng lượng, công, công suất môn Vật lý 10 ở trường THPT FPT”. Đây vốn là phương pháp giảng dạy đang được áp dụng tại hệ thống giáo dục FPT.
Môi trường FPT thúc đẩy sự phát triển cá nhân
Cô nói môi trường tại FPT Schools có nhiều thuận lợi về công nghệ để giảng dạy và học tập môn Vật lý. Học sinh của FPT Schools được sử dụng máy tính trong quá trình học tập nên giáo viên dễ áp dụng các phần mềm, phương pháp giáo dục mới vào dạy học. Ở môn Vật lý, một số thiết bị thực hành mới sử nhiều cảm biến để đo và kết quả được đồ thị hóa trên máy tính. Ngoài ra, nền tảng EduNext, một phần mềm công nghệ riêng của FPT, giúp học sinh thuận lợi trao đổi với nhau, kích thích sự chủ động trong học tập và hình thành kiến thức cho bản thân.
Với cô, mô hình nội trú của trường cũng là một lợi thế khi các em học sinh có nhiều thời gian cùng nhau thực hiện. Ngoài ra, cô Khuyên cho biết bộ môn Vật lý thường gắn liền với các hoạt động STEM rất được chú trọng nhằm phát triển năng lực học sinh.
“Điều này giúp phát huy tính chủ động, tích cực, sáng tạo trong học tập và học sinh dễ dàng vận dụng kiến thức ngay đã học vào thực tiễn”, cô nói, lấy ví dụ về dự án xây dựng xe chạy bằng thế năng, phản lực và áp dụng tĩnh điện vào trò chơi lần lượt là yêu cầu thực hành kết môn của học sinh khối 10 và 11 trong học kỳ này.
Ngoài ra, tại FPT Schools, ngày 23/5 mỗi năm được coi là Lễ bảo vệ dự án, học sinh sẽ thiết kế và trình bày slide về một mô hình STEM. Các bạn tại FPT Schools không quá xa lạ với các hình thức trình bày này vì đã được rèn luyện từ đầu năm qua các môn học Softskill và thông qua nhiều hoạt động tập thể khác.
Trong thời gian tới, cô Khuyên đặt nhiều mục tiêu nâng cao chất lượng giảng dạy và tạo thêm nhiều hứng thú cho học sinh khi học môn Vật lý.
Chúc mừng cô Khuyên đã đạt thành tích giải Nhất trong kỳ thi Giáo viên giỏi cấp thành phố. Những bước tiến vững chắc của cô trong việc truyền đạt kiến thức Vật lý không chỉ là nguồn động viên lớn cho học sinh mà còn là niềm tự hào của cả trường, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục tại FPT Hà Nội nói riêng và toàn bộ hệ thống FPT Schools nói chung.