Từ một nhân viên hành chính, cô giáo 9X Phạm Thị Ngọc Diễm trở thành nhà lãnh đạo truyền cảm hứng của Hệ thống Phổ thông FPT chỉ sau ba năm nhờ tinh thần tiên phong đổi mới sáng tạo và tư duy trao quyền.

HÀNH TRÌNH CÁ NHÂN – CHỌN HỆ THỐNG PHỔ THÔNG FPT LÀM BƯỚC NGOẶT
PV: Cô có thể chia sẻ cơ duyên nào đã đưa cô đến với FPT Schools không? Điều gì ở nơi đây khiến cô quyết định gắn bó lâu dài?
Cô Phạm Thị Ngọc Diễm: Tôi đến với FPT Schools sau khi đã có hơn 5 năm làm việc trong môi trường giáo dục công lập tại TP.HCM và hơn 3 năm trong lĩnh vực hành chính – nhân sự tại một doanh nghiệp tư nhân. Hai môi trường tưởng như đối lập lại giúp tôi có được cái nhìn đa chiều về con người, tổ chức và giá trị của giáo dục trong cuộc sống.
Năm 2020, khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh ở TP.HCM, con trai tôi khi đó chưa đầy một tuổi. Giữa muôn vàn lo toan và nỗi bất an về tương lai, tôi và chồng chỉ mất một ngày để đưa ra quyết định: về quê. Đó không phải là một kế hoạch dài hạn – mà chỉ là phản xạ bản năng của những người làm cha mẹ, mong con được an toàn và lớn lên trong một môi trường yên bình hơn.
Ông xã là người đưa tôi xem tin tuyển dụng của Tổ chức giáo dục FPT – một cơ hội đến rất đúng lúc. Tôi apply không chút đắn đo. Dù trước đó từng đảm nhiệm nhiều vị trí quản lý, tôi chủ động chọn bắt đầu lại từ vị trí cán bộ hành chính. Đơn giản vì tôi tin rằng, được làm công việc mình yêu thích đã là hạnh phúc thì việc phải lùi lại một bước hay bắt đầu lại từ đầu cũng là xứng đáng, biết đâu điều đó lại giúp tôi bước xa hơn và vững vàng hơn về sau.
FPT Schools không chỉ là công việc, mà còn là một dấu mốc chuyển mình trong đời sống cá nhân và sự nghiệp của tôi. Ở đây, tôi tìm thấy sự kết nối giữa lý tưởng giáo dục với khát khao đổi mới – nơi mỗi ngày làm việc là một trải nghiệm, là cơ hội để tôi được thử – sai – sửa – và học. Tôi may mắn khi được làm việc trong một môi trường mà ở đó sức trẻ, sự tôn trọng cá nhân và khát vọng tạo nên giá trị thật luôn hiện hữu. Chính điều đó khiến tôi muốn đi đường dài cùng nơi này.

PV: Khi bắt đầu vai trò quản lý tại FSchool Quy Nhơn, cô có gặp thử thách gì không? Và điều gì giúp cô vượt qua những giai đoạn khó khăn ấy?
Cô Phạm Thị Ngọc Diễm: Bắt đầu hành trình quản lý tại FPT Schools là một trải nghiệm vừa mới mẻ, vừa nhiều thử thách với tôi – dù trước đó tôi không xa lạ với vai trò quản lý trong các môi trường khác. Cái “khó” không nằm ở nghiệp vụ, mà nằm ở sự chuyển đổi tư duy: từ lối làm việc thiên về tuân thủ quy trình sang một môi trường năng động, đề cao trải nghiệm, cá nhân hóa và tinh thần tiên phong.
Tôi bắt đầu học từ những điều nhỏ nhất, làm từng việc không tên, quan sát và lắng nghe đồng nghiệp của mình – những người trẻ, sáng tạo và luôn khát khao đổi mới. Rồi tôi dần được trao thêm trách nhiệm và cơ hội thử sức ở những vai trò lớn hơn. Mỗi lần chuyển vai là một lần tôi phải “lột xác”: học cách dẫn dắt bằng sự thấu cảm, trao quyền thay vì kiểm soát, và quan trọng nhất là học cách tin vào người khác.
Những giai đoạn khó khăn nhất là khi mọi thứ bắt đầu, từ xây dựng đội ngũ đầu tiên, việc tổ chức dạy và học trong đại dịch, đến việc vận hành các hoạt động chưa từng có mô hình mẫu tại địa phương. Nhưng cũng chính trong những lúc chông chênh đó, tôi hiểu rằng: mình không đơn độc. Tôi được truyền cảm hứng từ những người lãnh đạo FPT đầy bản lĩnh, được đồng hành cùng tập thể giáo viên và nhân viên sẵn sàng xắn tay vào việc, bất kể là việc chuyên môn hay… vác bàn, kê ghế, trang trí lớp học.
Điều giúp tôi vượt qua những thử thách ấy, chính là niềm tin vào sứ mệnh giáo dục mà FPT theo đuổi, vào tập thể mà tôi may mắn là một phần, và vào chính bản thân mình – rằng mình có thể làm được, nếu đủ kiên trì và sẵn lòng thay đổi.

LÃNH ĐẠO TRONG MÔI TRƯỜNG ĐỔI MỚI
PV: Với cô, một người cán bộ quản lý trong môi trường giáo dục FPT cần mang theo những “chất” gì để thành công?
Cô Phạm Thị Ngọc Diễm: Tôi nghĩ, để làm tốt vai trò quản lý trong môi trường giáo dục FPT – một môi trường đổi mới, tốc độ và giàu bản sắc – thì người cán bộ không chỉ cần kiến thức hay kinh nghiệm, mà quan trọng hơn là phải mang theo ba “chất”: bản lĩnh, linh hoạt và tinh thần phục vụ.
Bản lĩnh – để đứng vững trước áp lực, trước cái mới và trong quá trình tiên phong. Ở FPT, có rất nhiều việc “làm lần đầu”, và nếu không đủ bản lĩnh để đi tiếp trong lúc mọi thứ chưa rõ ràng, rất dễ bị chùn bước.
Linh hoạt – vì tổ chức phát triển không ngừng, và con người thì mỗi ngày mỗi khác. Người quản lý phải đủ tinh tế để lắng nghe, đủ linh hoạt để điều chỉnh cách dẫn dắt phù hợp với từng giai đoạn, từng con người.
Và tinh thần phục vụ – điều này tôi học được rất rõ khi làm việc tại FPT. Làm quản lý không phải là để ra lệnh, mà là để hỗ trợ người khác làm tốt vai trò của họ. Khi mình sẵn sàng lắng nghe, hỗ trợ và trao quyền, thì đội ngũ sẽ tự khắc phát triển mạnh mẽ.
Tôi thường nói vui với đồng nghiệp rằng: làm quản lý ở FPT Schools là làm “đa nhiệm” – vừa là người dẫn đường, vừa là người đi sau hỗ trợ, có lúc lại là người chạy song song để giữ nhịp. Nhưng nhờ đó mà mình không ngừng trưởng thành.
PV: Cô đánh giá như thế nào về triết lý “Trải nghiệm để trưởng thành” và cách triết lý đó được vận dụng trong hoạt động quản lý và đào tạo tại trường?
Cô Phạm Thị Ngọc Diễm: Với tôi, triết lý “Trải nghiệm để trưởng thành” không phải là một khẩu hiệu – mà là một cách sống, một tư duy phát triển con người mà FPT Schools kiên định theo đuổi.
Ở đây, học sinh không chỉ được học qua sách vở, mà còn được học qua việc thử – làm dự án, tổ chức sự kiện, tự giải quyết vấn đề, va chạm và vấp ngã trong môi trường an toàn. Còn với đội ngũ giáo viên và cán bộ, trải nghiệm cũng là cách chúng tôi rèn nghề, học quản lý, học làm việc nhóm và học thích nghi với những điều chưa từng làm bao giờ. Rất nhiều thầy cô chưa từng nghĩ mình sẽ đứng trên sân khấu tổ chức sự kiện cho hàng trăm học sinh – nhưng ở FSchools, ai cũng có thể trở thành “leader” nếu sẵn sàng bắt tay vào làm.
Trong vai trò quản lý, tôi xem triết lý này là kim chỉ nam. Khi xây dựng đội ngũ, tôi không chỉ nhìn vào năng lực hiện tại của một người, mà còn nhìn vào tiềm năng trưởng thành thông qua trải nghiệm của họ. Tôi sẵn sàng trao cơ hội cho những ai dám thử, dù chưa thật sự tự tin; sẵn sàng để họ vấp ngã – nhưng không để họ ngã một mình. Điều này tôi vẫn đang áp dụng khá nhiều với đội ngũ leader của mình ^^
Với tôi, trưởng thành không đến từ việc “được giao đúng việc”, mà đến từ việc “được tin tưởng giao cả những việc chưa từng làm”. Đó chính là tinh thần “trải nghiệm để trưởng thành” mà tôi đã thấm nhuần và luôn cố gắng truyền tải trong cách mình làm quản lý.
PV: FSchools nhấn mạnh vai trò của công nghệ và đổi mới trong giáo dục. Trên cương vị quản lý, cô đã làm gì để đội ngũ giáo viên, học sinh của mình thích nghi và phát triển trong môi trường này?
Cô Phạm Thị Ngọc Diễm: Tôi nghĩ, để công nghệ và đổi mới không chỉ là khẩu hiệu mà thực sự “sống” trong văn hóa vận hành của một ngôi trường, người quản lý phải là người tiên phong trong tư duy và kiên trì trong hành động.
Bản thân những người làm công tác quản lý như chúng tôi luôn tự đặt ra câu hỏi: Làm sao để thầy cô không cảm thấy công nghệ là gánh nặng, mà là công cụ hỗ trợ? Làm sao để học sinh không chỉ biết dùng, mà biết sáng tạo từ công nghệ? Hiện nay, tại FPT School Quy Nhơn, giáo viên được trải nghiệm các phần mềm mới, dạy học tích hợp công nghệ, tổ chức lớp học đảo ngược… với tinh thần “sai thì sửa”, “chưa biết thì phải thử” chứ không bị áp lực phải “làm đúng ngay”.
Với học sinh, chúng tôi luôn khuyến khích các em sử dụng công nghệ trong việc học và tham gia các hoạt động trải nghiệm. Khi các em cảm thấy công nghệ gần gũi, không còn là “phần thi” mà là “phần chơi”, thì tự nhiên các em sẽ chủ động học hỏi và phát triển.
Cuối cùng, tôi luôn nhắc mình rằng: công nghệ là nền, nhưng đổi mới là tinh thần. Nếu người quản lý không sẵn sàng thay đổi, thì công cụ hiện đại đến đâu cũng không thể phát huy hiệu quả.

VĂN HÓA & CON NGƯỜI HỆ THỐNG PHỔ THÔNG FPT – TINH THẦN “PIONEERING”
PV: Nếu được mô tả văn hóa làm việc tại FPT Schools bằng 3 từ, cô sẽ chọn từ nào? Vì sao?
Cô Phạm Thị Ngọc Diễm: Nếu chỉ được chọn 3 từ để mô tả văn hóa làm việc tại FPT Schools, tôi sẽ chọn: Năng lượng – Cởi mở – Tiên phong.
Năng lượng, vì ở đây, dù là giáo viên, cán bộ hay học sinh, ai cũng mang trong mình một nguồn năng lượng tích cực, trẻ trung và sẵn sàng “cháy” với công việc, sự kiện, dự án. Đó là thứ khiến tôi không cảm thấy mệt, kể cả những hôm làm việc từ sáng sớm đến tối khuya – vì xung quanh tôi là những người đầy nhiệt huyết và luôn tràn đầy sức sống.
Cởi mở, vì FPT Schools là nơi mà mọi ý tưởng đều có cơ hội được lắng nghe và hiện thực hóa. Không có khoảng cách giữa lãnh đạo và nhân viên. Ở đây, chúng tôi có thể tranh luận, chất vấn, phản biện – nhưng luôn trên tinh thần xây dựng. Sự cởi mở này chính là nền tảng để tạo nên một môi trường đổi mới không ngừng.
Và cuối cùng, Tiên phong – bởi FPT Schools luôn là người “đi trước một bước”, từ triết lý giáo dục, cách tổ chức các hoạt động trải nghiệm, đến việc ứng dụng công nghệ vào giảng dạy và quản trị. Văn hóa tiên phong không phải là nói những điều thật to, mà là dám bắt tay làm những điều mới mẻ – dù chưa có khuôn mẫu, dù phải thử – sai nhiều lần.
Ba từ ấy không chỉ nói về tổ chức, mà còn là những giá trị tôi luôn tự nhắc bản thân cần duy trì và truyền cảm hứng cho đội ngũ của mình mỗi ngày.

PV: Hệ thống phổ thông FPT (FPT Schools) là nơi quy tụ những con người khác biệt. Với vai trò quản lý, cô làm gì để “tôn trọng cá nhân” nhưng vẫn “gắn kết tập thể”?
Cô Phạm Thị Ngọc Diễm: Tôi luôn tin rằng: “Một tập thể vững mạnh không phải là nơi ai cũng giống ai, mà là nơi mọi người có thể khác biệt nhưng vẫn cùng hướng về một mục tiêu chung.”
Trong vai trò quản lý, việc đầu tiên tôi làm là quan sát để thấu hiểu từng cá nhân – mỗi thầy cô, mỗi nhân viên đều có một phong cách làm việc riêng, điểm mạnh riêng, thậm chí là cách thể hiện cảm xúc khác nhau. Tôi không cố gắng “đồng bộ” họ theo một khuôn mẫu, mà tạo không gian để mỗi người có thể phát huy tối đa màu sắc của mình.
Nhưng tôn trọng cá nhân thôi chưa đủ, điều quan trọng là kết nối được họ thành một đội ngũ. Tôi thường tổ chức những hoạt động gắn kết đội nhóm theo kiểu “nhẹ nhàng mà thấm” – không quá hình thức, nhưng thật lòng và có ý nghĩa. Đó có thể là một buổi cà phê chia sẻ, một hoạt động team building nhỏ cùng đồng nghiệp và gia đình, một tờ thiệp gửi lời cảm ơn sau mỗi năm – những điều tưởng như đơn giản nhưng lại giúp mọi người cảm thấy được ghi nhận, được quan tâm, và vì thế mà gắn bó hơn.
Tôi cũng cố gắng xây dựng một môi trường làm việc an toàn để góp ý và phản hồi – nơi mọi người có thể nói thật, góp ý thật mà không sợ bị đánh giá. Bởi chỉ khi có lòng tin, mới có sự kết nối thật sự.
Với tôi, sự gắn kết tập thể không đến từ mệnh lệnh, mà đến từ sự đồng cảm. Và một nhà quản lý tốt không phải người làm thay tất cả, mà là người thấy được điều hay của từng người và giúp họ nhìn thấy chính mình trong hành trình chung.
PV: Trong hành trình làm việc cùng đội ngũ, có khoảnh khắc hay một con người nào khiến cô cảm thấy xúc động hoặc tự hào nhất không?
Cô Phạm Thị Ngọc Diễm: Khoảnh khắc khiến tôi xúc động và nhớ mãi, đó là ngày đón lứa học sinh đầu tiên của FPT School Quy Nhơn trong mùa dịch Covid-19. Khi ấy, mọi thứ đều rất mới – cả ngôi trường, đội ngũ giáo viên, lẫn quy trình đón học sinh. Nhưng vì dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, chúng tôi phải tổ chức nhập trường trong điều kiện nghiêm ngặt về y tế.
Hình ảnh cả đội ngũ – từ thầy cô, cán bộ đến nhân viên – ai cũng khoác trên mình bộ đồ bảo hộ kín mít, đổ mồ hôi nhễ nhại trong nắng nóng miền Trung, nhưng vẫn luôn nở nụ cười sau lớp khẩu trang, tay không ngừng vẫy chào các bạn học sinh mới lần đầu đến trường – thực sự khiến tôi xúc động. Sau hơn hai tháng dạy – học online, ai cũng chỉ mong được “gặp nhau ngoài đời” một cách thật sự. Ngày hôm đó, cảm giác vỡ oà – như một gia đình đã chờ đợi nhau từ lâu, và cuối cùng cũng được đoàn tụ.
Tôi tự hào vì mình là một phần của tập thể ấy – những con người không nề hà khó khăn, không ai bảo ai nhưng đều hết lòng vì học sinh. Đó không chỉ là một ngày nhập trường, mà là một ngày mở đầu cho hành trình đầy tình yêu thương và trách nhiệm với giáo dục.

CHUYỂN MÌNH VÀ TRUYỀN LỬA
PV: Sau một thời gian làm quản lý tại Hệ thống Phổ thông FPT, điều lớn nhất mà cô “trưởng thành” về mặt tư duy hay nhận thức là gì?
Cô Phạm Thị Ngọc Diễm: Tôi nghĩ điều lớn nhất mà tôi trưởng thành trong hành trình làm quản lý tại Hệ thống Phổ thông FPT chính là sự chuyển đổi từ tư duy kiểm soát sang tư duy trao quyền.
Trước đây, trong môi trường công lập hay doanh nghiệp truyền thống, tôi quen với việc mọi thứ phải rõ ràng, chắc chắn, quy trình chặt chẽ và đôi khi người quản lý là người “chốt” mọi quyết định. Nhưng tại FPT Schools, tôi học được rằng: người lãnh đạo giỏi không phải là người luôn đúng, mà là người biết tin tưởng, lắng nghe và tạo điều kiện để người khác phát triển. Tôi dần học cách bước lùi một bước để người khác tiến lên. Học cách chấp nhận sai sót nhỏ để đổi lại cơ hội lớn cho sự sáng tạo và trưởng thành. Tư duy lãnh đạo tại FSchools không đặt nặng quyền lực, mà đặt trọng tâm vào việc gieo cảm hứng, tạo động lực và khơi dậy nội lực trong mỗi người.
Tôi cũng nhận ra rằng, lãnh đạo không chỉ là vai trò chuyên môn – mà còn là vai trò làm gương về thái độ sống, cách phản ứng với khó khăn, và cách truyền đi năng lượng tích cực mỗi ngày.
PV: Cô muốn nhắn nhủ điều gì đến những người đang cân nhắc trở thành một phần của đội ngũ cán bộ quản lý Hệ thống phổ thông FPT – những “Future Pioneers”?
Cô Phạm Thị Ngọc Diễm: Nếu bạn đang cân nhắc trở thành một phần của Hệ thống Phổ thông FPT – hãy mạnh dạn bước tới, bằng tất cả sự chân thành và khát khao được học hỏi. Làm quản lý trong môi trường giáo dục FPT không giống bất kỳ nơi nào khác. Ở đây, bạn sẽ không chỉ được làm công việc của một người lãnh đạo, mà còn được sống trong một văn hóa luôn thôi thúc bạn đổi mới, chuyển mình, vượt qua giới hạn bản thân để tiến xa hơn. Bạn sẽ phải dấn thân, phải “lăn xả”, nhưng đổi lại là cảm giác được “cháy” hết mình vì những điều có ý nghĩa.
Bạn không cần phải hoàn hảo để bắt đầu – nhưng bạn cần một trái tim đủ mở, một tư duy đủ linh hoạt, và một tinh thần đủ vững để cùng đồng đội đi qua thách thức. Điều đặc biệt ở FSchools là bạn không bao giờ một mình – ở đây, luôn có những lãnh đạo tử tế, giỏi giang và đầy nhiệt huyết sẵn sàng đồng hành cùng bạn.
Hãy coi mỗi ngày ở FPT Schools là một cơ hội để trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình – và nếu bạn sẵn sàng, thì hành trình này sẽ là một trong những bước ngoặt đáng tự hào nhất của cuộc đời bạn.